Sand Land – Có lẽ đối với tuổi thơ bao thế hệ độc giả Việt Nam, Dragon Ball (7 Viên Ngọc Rồng) cùng với Doraemon là hai bộ manga “trấn phái” không thể thiếu trong tuổi học trò.
Mới đây, cả thế giới những người hâm mộ truyện tranh đã bị sốc khi biết tin họa sĩ Akira Toriyama đột ngột qua đời vì tụ máu màng cứng, khi còn nhiều dự án còn đang dang dở.
Một trong số những dự án cuối cùng trước khi ông qua đời chính là tựa game Sand Land, cùng với đó là bộ anime cùng tên đi kèm.
Thực tế, Sand Land là một bộ manga ngắn được Akira viết từ… 24 năm trước, và dường như ông đang có ý định hồi sinh và quảng bá bộ truyện này cho toàn thế giới.
Liệu Sand Land có phải là một di sản để đời của Akira Toriyama? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
CHÀO MỪNG TỚI VÙNG ĐẤT CÁT
Sand Land là một bộ manga được viết bởi cố họa sĩ Akira Toriyama sau khi ông hoàn thành bộ truyên Dragon Ball và muốn tìm một chút giải trí. Bộ manga này tương đối ngắn, chỉ với đúng 1 tập truyện và 14 chương, do đó cốt truyện cũng tương đối đơn giản và không có quá nhiều bước xây dựng thế giới.
Thế giới trong Sand Land là một vùng đất hoang mạc cằn cỗi do một cuộc chiến tranh thảm khốc gần 30 năm trước gây ra. Hệ quả của nó là gần như cắt đứt mọi nguồn nước ngọt, giờ đây nước ngọt trở thành “hàng độc quyền”, được bán ra với giá cắt cổ, và các băng nhóm trộm cướp hoành hành khắp nơi để tranh giành loại tài nguyên quý báu này.
Câu chuyện theo chân Beelzebub, hoàng tử của tộc quỷ. Mặc dù nói là hoàng tử của tộc quỷ, nhưng Beelzebub thực sự thích phá phách và gây náo loạn, và cậu ta lại có một trái tim đầy ấm áp, giàu lòng trắc ẩn, không chỉ với đồng bọn mà với cả loài người.
Do tài nguyên nước quá khan hiếm, một cánh sát trưởng tên là Rao đã tìm đến Beelzebub và… nhờ cậu “hộ tống” đi tìm mạch nước thần trong truyền thuyết, có khả năng giải quyết vấn đề của toàn bộ thế giới, và tựa game trở thành một chuyến ngao du thế giới của bộ ba Rao, Beelzebub và người hầu cận thân tín, Thief.
Cốt truyện game bám rất sát manga, và với một người đã từng đọc Sand Land trước đó (tên tiếng Việt là Vùng Hoang Mạc, được NXB Kim Đồng phát hành), thì các sự kiện, địa danh gần như được sao y bản chính, và việc chuyển đổi các địa danh lên định dạng 3D cũng được khắc họa tương đối đẹp mắt!
Thế giới cằn cỗi, đổ nát, tàn khốc của Sand Land được mô tả tương đối kỹ lưỡng, cuộc hành trình của Rao, Beelzebub và Thief tràn ngập những khoảnh khắc hài hước thú vị nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc cảm động, đúng với phong cách viết truyện của Akira Toriyama, tạo nên một cốt truyện hấp dẫn và lôi kéo người xem.
Tuy vậy, Sand Land, không giống như Infinite Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai, không chỉ là một bản ghi chép lại những sự kiện của manga, mà còn mở rộng thêm thế giới và nhân vật của bộ truyện tranh.
Game có hẳn một vùng đất mới có tên là Forest Land, nhiều nhân vật mới được thêm vào, cốt truyện và thế giới cũng được mở rộng thông qua những nhiệm vụ phụ nằm rải rác khắp các thành phố mà người chơi đi qua, khiến cho Sand Land không còn đơn thuần là một “tựa game chuyển thể từ manga” nữa, mà mang trong mình một “linh hồn” riêng, “linh hồn” của cố họa sĩ đã gửi gắm trước khi mất.
người hâm mộ sẽ tìm thấy trong Sand Land những gì tinh tuý của cố họa sĩ Akira Toriyama: những câu chuyện hài hước, điên rồ nhưng cũng không kém phần cảm động
Những độc giả đã đọc qua manga cũng không cần quá lo lắng game không có gì mới, vì thực tế cốt truyện manga chỉ có… già nửa game mà thôi. Có hẳn một phần mới tinh, với những vùng đất mới, những con người mới dành cho những người hâm mộ khám phá và tận hưởng.
Tựu chung lại, người hâm mộ sẽ tìm thấy trong Sand Land những gì tinh tuý của cố họa sĩ Akira Toriyama: những câu chuyện hài hước, điên rồ nhưng cũng không kém phần cảm động, cùng với một thế giới mặc dù không được xây dựng và phát triển với sự kỹ lưỡng như Dragon Ball, nhưng cũng đủ thú vị và lôi cuốn.
Và các bạn đọc nhỏ tuổi hãy làm theo lời Lucifer, bố của Beelzebub nhé: “Chơi game trong phòng sáng, không ngồi quá sát màn hình, và không nên chơi quá 1h/ngày”.
CHIẾN ĐẤU VUI NHỘN, KHÁM PHÁ HẤP DẪN!
Thú thực, ban đầu khi biến tới Sand Land thì người viết cũng không có hi vọng gì nhiều, mấy tựa game “ăn theo” manga hay anime thì hầu hết “xem” là chính, lối chơi chỉ là thứ yếu nên chẳng có mấy tựa game làm ra được một cơ chế chiến đấu ra hồn.
Tuy nhiên, Sand Land bất ngờ có một cơ chế chiến đấu đa dạng và hết sức vui nhộn. Về mặt chiến đấu thì có thể phân ra làm hai loại: chiến đấu bằng Beelzebub và chiến đấu sử dụng… xe tăng.
Đúng rồi đó, bạn không đọc nhầm đâu! Chiến đấu với Beelzebub thì khá đơn giản: bạn có đòn tấn công nhẹ, tấn công mạnh, tấn công đặc biệt, né đòn và thậm chí là… hóa thành Super Saiyan. Nói chung phần này không có gì quá đặc biệt, chỉ là khi bạn cầm Beel “tung hoành ngang dọc” cảm giác rất đã tay và “xả stress”.
Phần chiến đấu bằng xe tăng mới là “điểm nhấn” của Sand Land. Người chơi có khả năng “mở khóa” (unlock) hơn mười loại xe cộ khác nhau, từ mô tô hai bánh tới… siêu tăng hạng nặng, mỗi cỗ xe đều sẽ có một công dụng, điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.
Ở căn cứ, bạn có thể sử dụng các mảnh nguyên liệu nhặt được ở khắp mọi nơi, hoặc rớt ra từ quái vật (có một điều nghịch lý: Beelzebub từng bảo “không bao giờ giết chóc” nhưng cậu chàng đánh hạ quái vật để rớt đồ thì không tính? -NV) để có thể chế tác nên những bộ phận cho cỗ xe và nâng cấp xe.
Có vô vàn khả năng tuỳ biến xe tăng, bạn có thể thay đổi vũ khí chính và vũ khí phụ để có thể chiến đấu theo các kiểu khác nhau, kết hợp với sự đa dạng về phương tiện khiến cho chiến đấu sử dụng phương tiện biến hóa khôn lường, và cầm xe tăng “cày nát” đội hình địch chưa bao giờ cảm thấy sướng tay đến thế! Tuy nhiên, nếu chúng ta bàn sâu hơn nữa thì sẽ lại đụng phải… “spoiler” mất!
Sand Land bất ngờ có một cơ chế chiến đấu đa dạng và hết sức vui nhộn
Một điều bất ngờ tiếp theo là Sand Land có một hướng tiếp cận… thế giới bán mở, và người chơi (hầu như) có thể tự do lái xe thoải mái để khám phá toàn bộ vùng đất hoang mạc này. Để có thể khám phá được trọn vẹn, người chơi sẽ cần phải sử dụng nhiều loại xe cộ khác nhau: xe cơ giới để bắn phá những vật cản trên đường đi, xe máy để phi nhanh trên sa mạc, hoặc một loại xe kỳ quặc tên là Jump Bot để nhảy lên những vách đá dựng đứng.
Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng dần dần việc lên xe tăng và lượn vòng vòng quanh sa mạc và bắn mấy chú quái vật tội nghiệp trở thành một thú vui tao nhã của người viết, khiến hàng giờ trôi qua lúc nào mà không hay. Dẫu sao chỉ có một vấn đề nhỏ, đó là game bắt người chơi phải leo lên, leo xuống rất nhiều lần để lấy mấy vật phẩm ở dưới đất, gây ra một sự phiền toái nho nhỏ.
“HƠI THỞ” CỦA AKIRA TORIYAMA
Khá đáng buồn khi họa sĩ Akira Toriyama đã mất đi khi còn nhiều công việc đang dang dở, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được trong từng đường nét của Sand Land chứa đựng tình yêu thương, và tâm tình mà cố họa sĩ đã để lại.
Từ tạo hình nhân vật, cho tới môi trường, cảnh vật, màu sắc đều đậm phong cách rất “riêng”, rất đặc trưng của cố họa sĩ, đi cùng với phong cách đổ bóng viền đặc trưng đã khiến cho Sand Land dường như mang trong mình linh hồn của Akira vậy.
Nhà phát triển ILCA đã làm xuất sắc nhiệm vụ chuyển những nét vẽ của Akira lên định dạng 3D. Rao, Beelzebub, Thief và cả anh tướng ngố tàu Are cũng được lên màn ảnh một cách xuất sắc, và kể cả những nhân vật mới như Ann cũng được vẽ đẹp không hề kém cạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, những mẩu chuyện nhỏ dưới dạng các nhiệm vụ phụ, mặc dù hầu hết chỉ là những mẩu chuyện gói gọn nhưng cứ như những mẩu “yonkoma” (manga gói gọn trong 4 khung tranh) do chính tay Akira vẽ nên vậy. Chúng hài hước, cô đọng, súc tích, mặc dù cũng chỉ là “fetch quest” nhưng không cảm thấy bị rườm rà hay nhàm chán, mà ngược lại thôi thúc người viết đi tìm nhiệm vụ phụ ở tất cả các thành phố.
chúng ta có thể thấy được trong từng đường nét của Sand Land chứa đựng tình yêu thương, và tâm tình mà cố họa sĩ đã để lại
BẠN SẼ GHÉT
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LẮT NHẮT
Vấn đề đầu tiên, thực tế Sand Land chỉ là một tập truyện, do đó không khỏi có những tình huống mà tựa game bị kéo giãn, bơm “filler” để đạt đủ thời lượng yêu cầu. Có một số sự kiện mà trong manga chỉ có… đúng một trang giấy, tuy vậy game lại kéo dài tận… 30 phút, mà sự kéo dài này rõ ràng mang hàm ý “câu giờ” chứ không được tự nhiên.
Ví dụ, thật là khó chịu khi cậu bé Beelzebub bá đạo của chúng ta lại phải thực hiện một nhiệm vụ… lén lút, cảm giác như đôi khi ILCA có một bản danh sách các lối chơi cần phải đưa vào và cần phải hoàn thiện hết.
Một vấn đề khác đó là lượng quái vật tương đối nghèo nàn, chủ yếu là “thay da” chứ không có nhiều sự đa dạng.
Đồng thời, quái trùm đặc biệt thì không nói, nhưng mấy con quái trùm thông thường gặp ngoài sa mạc thì có lối đánh quá giống nhau, gần như không có gì đổi mới, rất dễ gây sự nhàm chán khi người chơi phải đi “cày” một nguyên liệu gì đó – đó là chưa kể số lượng nguyên liệu nhiều “kinh khủng khiếp” nhưng phải tới 80% là… rác và chẳng có tác dụng gì.
Và cuối cùng là trên đường đi các nhân vật… nói rất nhiều, nhưng lặp lại cũng rất nhiều, dường như nhà phát triển “lười” không muốn thu thêm lời thoại vậy. Người viết rất ủng hộ những cuộc trò chuyện trên đường đi, như Final Fantasy XV, tuy nhiên nếu Rao cứ ra rả mãi một câu chuyện thì rất nhàm tai và gây khó chịu!
trên đường đi các nhân vật… nói rất nhiều, nhưng lặp lại cũng rất nhiều, dường như nhà phát triển “lười” không muốn thu thêm lời thoại vậy